Quản lý hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp theo hướng phát triển năng lực người học ở trường Trung học cơ sở Tam Hiệp, huyện Thanh Trì, Thành phố Hà Nội


          Trong thời đại Công nghiệp hóa –  Hiện đại hóa, việc đào tạo con người Việt Nam đáp ứng nhu cầu của xã hội đã được cụ thể hóa trong Điều 2 Luật giáo dục: “Mục tiêu giáo dục là đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn diện có đạo đức, trí thức, sức khỏe, thẩm mỹ và nghề nghiệp, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, hình thành và bồi dưỡng nhân cách, phẩm chất năng lực công dân đáp ứng xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. [31]Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 4 tháng 11 năm 2013 đã ghi rõ: “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy và học theo hướng hiện đại; phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận  dụng kiến thức, kỹ năng của người học; khắc phục lối truyền thụ áp đặt một chiều, ghi nhớ máy móc. Tập trung dạy cách học, cách nghĩ, khuyến khích tự học, tạo cơ sở để người học tự cập nhật và đổi mới tri thức, kĩ năng, phát triển năng lực”. [1]Nghị quyết  Trung ương 2 khóa VIII khẳng định:  “Phải đổi mới mạnh mẽ phương pháp giáo dục –  đào tạo, khắc phục lối truyền thụ một chiều, rèn luyện thành nếp tư duy sáng tạo của người học”. Vì vậy, trong chương trình đào tạo ở các cấp học, ngành học mà bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng, ngoài các môn học cung cấp kiến thức, còn có các hoạt động giáo dục bổ trợ, trong đó có  hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp.
          Hoạt động  GDNGLL là hoạt động nối tiếp của hoạt động dạy học trên lớp, giúp học sinh củng cố, mở rộng tri thức  đã học, rèn luyện kĩ năng giao tiếp, kĩ năng ứng xử, kĩ năng hoạt động chính trị xã hội.  Mặc dù chỉ là hoạt động giáo dục ngoài kế hoạch dạy học các môn chính khóa, nhưng hoạt động này lại là công cụ mạnh mẽ để phát triển  năng lực người học, phát triển cácgiá trị, nội dung, các quan hệ xã hội thực tiễn một cách sâu sắc.
          Thứ nhất; Trong chương trình giáo dục THCS, Hoạt động  GDNGLL  là hoạt động quan trọng thực hiện mục tiêu giáo dục, nó kiểm nghiệm kiến thức đã thu nhận được qua các môn học, bổ sung những kiến thức còn thiếu hụt và mở rộng kiến thức; đồng thời thông qua các HĐGDNGLL người học nâng cao tầm hiểu biết và nhận thức đầy đủ về xã hội, gắn kiến thức đã học với thực tế trong cuộc sống, tăng cường phát triển trí lực, thể lực, rèn luyện kỹ năng sống.
          Thứ hai;  Với những đặc điểm riêng biệt về tâm lý, về xã hội của tuổi học trò, tổ chức các Hoạt động GDNGLL  là dịp tạo cho các em tham gia các hoạt động thực tiễn, trải nghiệm sáng tạo, phát triển năng lực sẵn có.
          Thứ ba;  Hoạt động  GDNGLL được tổ chức dưới dạng các hoạt động,trò chơi dân gian, tham gia lễ hội, văn hóa nghệ thuật truyền thống dân  tộc và chăm sóc đài tưởng niệm, nghĩa trang liệt sĩ...giáo dục thế hệ trẻ về tình cảm, đạo lý:  “Uống nước nhớ nguồn”,  “Ăn quả nhớ người trồng cây”.  Từ đó giúp các em  có ý thức gìn giữ, bảo tồn và phát huy nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, có ý thức phấn đấu trở thành những công dân có ích cho xã hội, góp phần hình thành nhân cách con người Việt Nam trong thời kỳ đổi mới.
          Trong những năm qua, thực hiện công cuộc đổi  mới, sự nghiệp giáo dục đã đóng góp to lớn vào những thành quả chung của toàn xã hội. Tuy nhiên,  bên cạnh đó, ngành giáo dục vẫn còn tồn tại những hạn chế. Đó là do sự tác động của những mặt trái của cơ chế thị trường đã ảnh hưởng không nhỏ đến giáo dục nói chung và các trường THCS nói riêng. Đối tượng chính của giáo dục là thanh thiếu niên đã nhanh chóng tiếp thu với những cái “mới”, các em muốn tự tìm cách để bộc lộ mình, tập làm người lớn nhưng còn chưa chín chắn. Vì thế vấn đề đặt ra là chúng ta cần tạo  điều kiện để thế hệ trẻ có mọi điều kiện thuận lợi để phát triển cân đối, hài hòa các tố chất, tiềm năng ở mỗi người như trí tuệ, phẩm chất đạo đức, tâm lý, tâm hồn, thể lực và các năng lực khác.
          Hiện nay, ở một số trường,  Hoạt động  GDNGLL chưa được chú trọng và đầu tư đúng mức, còn mang tính hình thức, chiếu lệ dẫn đến hiệu quả chưa cao. Việc thực hiện chương trình, tổ chức  Hoạt động  GDNGLL  của cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh còn có những tồn tại. Xuất phát từ những lý do trên tác giả đã chọn nghiên  cứu đề tài: “Quản lý hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp theo hướng phát triển năng lực người học ở trường Trung học cơ sở Tam Hiệp huyện Thanh Trì, Thành phố Hà Nội”  nhằm  mục đích nâng cao hiệu quả giáo dục toàn diện cho học sinh.
Authors:

Lê, Văn Tài
Keywords: Giáo dục ngoài giờ lên lớp
Năng lực người học
Phát triển
Issue Date: 2017
Publisher: H.: Trường Đại học giáo dục
Description: 119 tr.
URI: http://repository.vnu.edu.vn/handle/VNU_123/33631
Appears in Collections:Luận văn - Luận án (LIC)

Nhận xét